Truyện: Đươm Tơ Rít ( Truyện Cổ Tích Việt Nam Hay)

Câu Chuyện: Đươm Tơ Rít

Dạo ấy, trên những vùng nương rẫy của người Catu khai phá, có một con diều hâu thành tinh tên gọi Cơ Lang Bơ Tư thường rình mò bắt hiếp đàn bà con gái. Dân làng rất sợ con chim yêu quái ấy, nên hễ mặt trời tắt là họ đóng cửa cài then đề phòng chim ác bay đến. Xóm làng vì vậy mà trở nên buồn tẻ, vắng hẳn tiếng hát, tiếng cười.

Năm ấy, khi lúa ngoài rẫy đã trổ bông, hai vợ chồng A Dư và người em là A Tang lo không có người canh rẫy thì hươu, nai, heo, khỉ sẽ đến phá hết. A Dư đành để con gái là Cơ Len Trung ở nhà cho A Tang trông nom, rồi hai vợ chồng lên núi canh rẫy. Khi họ ra đi, A Tang dặn:

– Có ngủ thì ngủ khe sâu, đừng ngủ núi cao mà Cơ Lang Bơ Tư bắt mất chị.

Vốn cậy sức khỏe của mình, lại cho vợ mình già rồi chim ác chẳng bắt làm gì, A Dư bỏ ngoài tai lời khuyên của em.

Đêm ấy, hai vợ chồng A Dư ngủ trên chòi cao giữa rẫy. A Dư nằm xuống là ngủ ngay, còn vợ ông, bà Bơ Dung Cơ Len, lo sợ nên không tài nào nhắm mắt được. Nửa đêm Bơ Dung Cơn Len nghe tiếng gió rít trên nóc chòi, vội đánh thức chồng dậy. Nhưng A Dư nói:

– Không sợ, nó có dụ, tôi cũng có dụ (Dụ: một loại vũ khí giống như cái lao), anh em nó có ná, tôi cũng có ná.

Nói rồi, ông lại ngủ.

Thấy A Dư không đề phòng lại đang ngủ say, Cơ Lang Bơ Tư liền sà ngay xuống chòi, dùng chân cop bà Bơ Dung Cơ Len và đặt Bơ Dít Đóc là vợ nó bên cạnh A Dư, rồi tung cánh bay vào đêm tối mịt mùng.

Khi A Dư tỉnh dậy, trời đã sáng. Ông kéo miếng vỏ sui làm chăn ra để đánh thức vợ dậy, nhưng chỉ thấy một mụ đàn bà người đen, mặt xanh nằm đó. Biết ngay là Cơ Lang Bơ Tư đã đánh tráo mất vợ mình rồi. Bừng bừng tức giận, A Dư rút dụ phóng một mũi vào ngực con yêu tinh. Giết xong con yêu, A Dư ba chân bốn cẳng chạy một mạch về làng. Con gái là Cơ Len Trung chạy ra hỏi:

– Mẹ con đâu?

– Cơ Lang Bơ Tư bắt mất rồi!

Nghe vậy, Cơ Len Trung thương mẹ khóc rống lên. A Tang trách anh:

– Tại anh không nghe em nói nên mới xảy ra cơ sự này. Bây giờ, anh ở nhà với cháu để em đi tìm chị cho.

A Tang ra đi đem theo một ống sáo. Đến mỏm núi cao thứ nhất, A Tang rút sáo ra thổi:

Vợ anh tôi ở núi nào?
Chị dâu tôi ở núi nào?

Không có tiếng chị dâu trả lời mà chỉ có tiếng cây rừng đáp lại. A Tang lại đi. Đến ngọn núi thứ hai, thứ ba… vẫn chỉ có tiếng cây rừng đáp lại.

A Tang đi mãi, thổi mãi, sức đã kiệt mà vẫn không thấy tăm hơi chị dâu đâu. Nhưng vẫn không nản lòng, chàng lê từng bước trong rừng quyết tìm cho được chị dâu.

Đến ngày thứ mười, A Tang thấy trên đỉnh một ngọn núi cao có một cây cổ thụ cao tít tắp. Thoáng thấy bóng người trên ngọn cây, A Tang cố sức dồn hơi thổi sáo thăm dò:

Có phải chị dâu
Thì quăng cườm xuống!

Từ trên ngọn cây, nghe tiếng sáo em chồng, Bơ Dung Cơ Len vội quăng chuỗi cườm bằng ốc xuống.

A Tang nhặt chuỗi cườm bỏ vào túi, đánh dấu phương hướng cẩn thận rồi quay về làng tìm cách cứu chị.

Nghe tin A Tang đã về, người làng kéo đến rất đông hỏi thăm. Khi biết rõ Bơ Dung Cơ Len còn sống, họ bàn cách cứu bà.

Một ông già nói:

– Tất cả đàn ông mang dao phóng dụ giết chết Cơ Lang Bơ Tư để cứu Bơ Dung Cơ Len!

A Tang bảo:

– Cây cao lắm không thể phóng tới đâu.

Ông già khác bàn:

– Vậy ta bắc thang?

A Tang bảo:

– Trăm thang cũng không bắc tới.

Bàn lui, bàn tới mãi, vẫn không ai tìm được cách gì để cứu Bơ Dung Cơ Len cả.

A Dư buồn bã nói với dân làng:

– Ai cứu được Bơ Dung Cơ Len, nếu là con trai chưa vợ thì dù là con mồ côi ta cũng gả Cơ Len Trung cho. Nếu là ông già thì cho Cơ Len Trung làm dâu, nếu đã có vợ có con thì cho làm em gái út.

Trong làng có Đươm Tơ Rít mồ côi cha mẹ, bị mọi người khinh rẻ, hôm ấy cũng đến nhà A Dư nghe dân làng bàn. Anh có ý định đi cứu Bơ Dung Cơ Len nhưng không dám nói vì sợ dân làng. Khi nghe A Dư nói như vậy, Đươm Tơ Rít liền đứng dậy nói:

– Tôi có cách cứu được Bơ Dung Cơ Len.

Trai làng có kẻ ghét anh bèn dèm pha:

– Không cho mày đi cứu, mày là đứa mồ côi, là thằng hèn hạ!

Một ông già nhất làng nghe vậy liền bảo:

– Việc đi cứu Bơ Dung Cơ Len là việc cần, ta không nên phân biệt người này kẻ kia. Nếu Đươm Tơ Rít có cách gì cứu được Bơ Dung Cơ Len thì cứ nói cho dân làng nghe.

– Tôi sẽ đóng đinh vào cây và mặc quần áo giống như diều hâu để đánh lừa nó.

Mấy ông già khác cũng tấm tắc khen:

– Kế của Đơm Tơ Rít hay lắm!

Hôm sau, A Tang dẫn dân làng lên núi cứu Bơ Dung Cơ Len. Họ vót đinh gỗ đóng làm bậc thang để trèo, nhưng đinh gỗ đóng không chắc, nên trèo lên lại tụt xuống. Trai làng cũng thi nhau đóng đinh để trèo nhưng không một ai trèo được quá mười bậc.

Ngày thứ nhất trôi qua, không ai cứu được người bị nạn. Rạng ngày thứ hai, các ông già bảo:

– Hôm nay để Đươm Tơ Rít trèo!

Đươm Tơ Rít có sức khỏe phi thường. Anh chỉ mang theo một ống sáo, một cào sắt và ba chiếc đinh to làm bằng gốc tre đực để đi cứu Bơ Dung Cơ Len. Đến cây to, một tay anh giữa đinh, một tay anh làm vồ đóng. Cứ leo lên bậc trên, anh lại nhổ đinh ở bậc dưới đóng tiếp. Cứ thế đến trưa đã leo lên đến nửa thân cây.

Lúc ấy ở trên ngọn cây, Cơ Lang Bơ Tư vẫn còn ngủ, Bơ Dung Cơ Len thì ngồi bắt rận cho nó. Nghe tiếng đinh đóng “cốc, cốc”, Cơ Lang Bơ Tư mở mắt hỏi:

– Tiếng gì lốc cốc thế?

– Chim gõ kiến mổ kiến đấy.

Cứ thế, đến chiều, Đươm Tơ Rít đã lên đến ngọn cây. Tơ Rít thấy một tổ chim to bằng gian nhà khuất trong đám lá rậm. Từ trong tổ chim, mùi thịt thối xông ra nồng nặc, Cơ Lang Bơ Tư tỉnh dậy vừa lúc Đươm Tơ Rít đang bám vào một chạc cây leo vào tổ, hắn trừng mắt hỏi:

– Gươm sắc, giáo dài chừng nào mà mày dám lên đây?

– Tôi lên thăm chị và anh đấy.

Cơ Lang Bơ Tư quay lại hỏi Bơ Dung Cơ Len người mới đến là ai, bà trả lời:

– Em ruột tôi đấy.

Cơ Lang Bơ Tư vội nhỏm dậy:

– Thế à, cậu em vào đây tôi xem mặt nào!

Đươm Tơ Rít vội vàng khoác chiếc áo lá vào người, ngậm sáo vào miệng làm mỏ, đeo chùm rễ si dưới cổ làm râu, tay phải cầm chiếc cào sắt nhọn làm móng rồi đi vào.

Thấy Đươm Tơ Rít hình dáng giống chim, Cơ Lang Bơ Tư hỏi:

– Cậu em cũng cùng họ nhà chim à?

– Mẹ tôi là người, cha tôi là chim, đẻ ra tôi nửa người, nửa chim.

– Cậu thích làm người hay làm chim?

– Thích làm chim, nhưng mỏ yếu, móng cùn, con mắt không tinh, lông cánh không dài, làm sao kiếm ăn được?

Cơ Lang Bơ Tư bảo:

– Lại gần đây tôi xem nào!

Trống ngực Tơ Rít đập thình thịch, anh bước lại gần, Cơ Lang Bơ Tư sờ mỏ, sờ râu, xoa chiếc áo lá rồi lắc đầu:

– Mỏ yếu, râu mềm, lông cánh non quá. Đưa anh xem đôi móng nào!

Đươm Tơ Rít chìa bàn tay trái ra. Cơ Lang Bơ Tư vừa đụng vào bàn tay trái thì Tơ Rít dùng hết sức bổ chiếc cào sắt cầm bên tay phải vào đầu hắn. Cơ Lang Bơ Tư chỉ kêu lên được một tiếng rồi lăn ra chết. Bà Bơ Dung Cơ Len mừng quá cảm ơn Tơ Rít và hứa gả con gái cho chàng.

Tơ Rít lấy dây làm thang dòng bà Bơ Dung Cơ Len xuống đất. Dân làng mừng rỡ reo hò vang cả núi rừng. Ngay đêm ấy, họ kéo về làng, A Dư mổ trâu, mổ heo ăn mừng. Giữ lời hứa, ông gả con gái là Cơ Len Trung cho Đươm Tơ Rít.

Cơ Len Trung vốn là một cô gái đẹp nhất vùng. Trai làng ai cũng thích cô, nhất là bọn con trai nhà giàu. Đã nhiều đứa đến hỏi đều bị cô từ chối. Nay nghe nói cô lấy Đươm Tơ Rít, chúng tức giận lắm. Trong vùng có mụ Cơ Rúa là hay gây sự, liền bày kế cho bọn họ giết chết Đươm Tơ Rít để cướp Cơ Len Trung.

Một hôm, bọn chúng rủ Đươm Tơ Rít đi lấy mật ong. Tơ Rít theo chúng vào tận trong rừng sâu, nơi có nhiều mật ong nhưng cũng có rất nhiều gấu. Người và gấu thường hay gặp nhau ở đây. Khi đến tổ ong mật trên vách đá, bọn chúng bắc thang bảo Đươm Tơ Rít:

– Anh giỏi leo cây, anh trèo lên lấy mật để chúng tôi giữ thang cho.

Tơ Rít trèo lên. Khi anh đang chui vào hốc đá lấy mật ong, bọn chúng ở dưới rút thang đi. Lấy được nhiều mật ong rồi, Tơ Rít quay ra, thấy mất thang, anh gọi chúng bắc hộ, chúng nói:

– Mày giỏi thì leo đinh mà xuống.

Vừa lúc ấy có một con gấu to bằng con bò xuất hiện, quát:

– Sao mày dám lên đây ăn mật ong của tao?

Tơ Rít chỉ xuống chân núi và nói:

– Bác xem kìa, không có tôi chắn ở đây thì bọn người kia đã lên lấy hết mật của bác rồi. Sao bác không cám ơn tôi mà lại trách tôi?

Nghe Tơ Rít nói có lý, gấu cõng chàng xuống núi đá và đưa về tận đầu làng. Tưởng Đươm Tơ Rít đã chết, bọn con trai nhà giàu định về báo với Cơ Len Trung, nhưng khi bước vào nhà đã thấy Đươm Tơ Rít ngồi ăn mật ong với vợ. Bọn chúng sượng mặt quá bỏ về ngay.

Hôm sau nữa, chúng lại rủ Đươm Tơ Rít đi săn. Đến một hang cọp, chúng bảo Tơ Rít chui vào bắt. Đợi cho Tơ Rít bước vào hang, bọn chúng ở ngoài lấy đá lấp kín cửa lại. Mất lối về, anh đi sâu vào hang tìm đường khác, thì gặp hai con cọp con đang ngủ. Sợ quá, Tơ Rít chạy ra cửa hang lại gặp cọp mẹ về.

– Mày vào bắt con tao hả?

– Không phải đâu, có bọn người định vào bắt cọp con, may có tôi bịt cửa hang họ mới không vào được. Bà thử ra cửa hang xem tôi nói có đúng không?

Ra thấy cửa hang đã bịt kín, tin lời Tơ Rít nói là thật, cọp mẹ cám ơn Tơ Rít và phá cửa hang cho chàng về.

Lần thứ ba bọn chúng lại rủ Tơ Rít ra vực đánh cá. Chúng lừa Tơ Rít vào hang cá sấu rồi lấy ván bịt cửa hang lại. Cá sấu mẹ bơi ra chực nuốt Tơ Rít. Thoáng thấy phía sau có mấy con cá sấu con, Tơ Rít liền nói:

– Tôi vào đây đóng hộ cửa hang cho bác để bọn người đánh cá khỏi bắt mất con bác, thế mà bác lại định nuốt tôi.

Cá sấu mẹ nhìn ra thấy cửa hang đã bị bịt kín, qua khe hở lại thấy những người đánh cá vẫn còn lội phía ngoài. Tin là Tơ Rít đã thực tâm cứu con mình, cá sấu nói:

– Cháu rất tốt, cháu muốn ta đền ơn cái gì nào?

– Tôi muốn xin bà bắt cá ở vực này được không?

Cá sấu đồng ý và dặn mỗi khi ra bắt, đeo một vòng mây ở cổ chân làm hiệu, để cá khỏi nuốt nhầm. Sau đó cá sấu phá cửa hang cho Tơ Rít về.

Ba lần lừa giết Đươm Tơ Rít, ba lần Tơ Rít đều trở về bình yên vô sự, bọn con trai nhà giàu rất sợ. Chúng tìm đến mụ Cơ Rúa hỏi duyên cớ. Mụ nói:

– Chắc nó là dòng dõi loài vật nên loài vật không làm hại nó. Để tôi đi dò xem nó sợ cái gì nhất!

Khi mụ Cơ Rúa hỏi Tơ Rít sợ gì nhất thì anh trả lời là anh sợ ném lao. Nếu có ai thách phóng lao thì anh sẽ chết. Nói xong, anh dặn mụ đừng hở điều bí mật ấy cho ai biết.

Vừa về đến nhà, mụ Cơ Rúa liền gọi bọn con trai nhà giàu đến mách ngay. Bọn này quyết định thách Tơ Rít phóng lao để giết chết anh. Đươm Tơ Rít nhận lời thách. Nhưng anh bảo không phóng lao trên cạn mà phóng lao dưới nước. Để khỏi lộn xộn, anh sẽ đứng bên kia bờ vực, còn bọn họ sẽ đứng bên này. Nghe vậy, bọn chúng ưng thuận ngay.

Sáng sớm hôm sau, bọn chúng dàn thành hàng dài ở bên này bờ vực, mỗi người nắm chắc một ngọn lao. Tơ Rít đứng một mình ở bên bờ và thách chúng phóng trước.

Người thứ nhất phóng không đến chỗ Tơ Rít đứng. Người thứ hai phóng, lao rơi xuống giữa vực. Chúng hò nhau lội xuống vực phóng lao tới tấp như mưa sang bờ bên kia. Tơ Rít giơ tay bắt tất cả các lao phóng tới. Khi đứa cuối cùng phóng xong, Tơ Rít lội xuống vực và bắt đầu phóng lại.

Cũng vừa lúc đó, nước động đến hang cá sấu. Cá sấu mẹ bơi lên thấy chân đám người đứng dưới vực không có vòng mây liền lao tới nuốt. Bọn chúng kẻ trúng lao, kẻ bị cá sấu nuốt chết rất nhiều.

Bọn trai nhà giàu thua to. Những đứa sống sót trốn biệt vào rừng. Tơ Rít về làng cho gọi gia đình những đứa bị chết lại và hỏi:

– Các người muốn sống hay muốn chết?

– Muốn sống

Tơ Rít nói:

– Ai muốn sống thì về làm ăn yên ổn, từ rày không được khinh rẻ kẻ mồ côi nữa.

Bọn chúng vâng dạ, hứa sẽ không gây sự nữa.

Tơ Rít được dân bản tôn làm chủ làng. Chàng cùng với vợ là Cơ Len Trung xinh đẹp sống một cuộc đời hạnh phúc.

(Truyện cổ người Catu)

Lợi ích việc đọc truyện cổ tích cùng trẻ:

  • Luyện kỹ năng lắng nghe, trí tưởng tượng, phát triển tư duy sớm, tăng cường trí nhớ, giúp trẻ phát triển kỹ năng kể chuyện rất có lợi cho giao tiếp sau này.
  • Biết yêu thương, chia sẻ, cảm thông, hình thành tính cách tốt khi lớn lên.
  • Đọc sách nhiều giúp bé có vốn từ phong phú, hạn chế sai chính tả khi vào lớp 1
  • Tập thói quen yêu thích đọc sách từ nhỏ, giúp bé ham học hơn về sau
  • Gắng kết cha mẹ , anh chị và bé. Hạn chế xem tivi, chơi game.

Truyện Cổ Tích Việt Nam : Chúng tôi tuyển tập những truyện cổ tích hay nhất trong kho tàng truyện cổ tích dân gian Việt Nam, truyện dân gian, truyện ngụ ngôn, truyện cười, những câu truyện quà tặng cuộc sống ý nghĩa…Trang đọc truyện cổ tích Việt Nam hay nhất, gồm những câu chuyện cổ tích chọn lọc dành cho thiếu nhi và mọi lứa tuổi. Kể chuyện cổ tích cho bé, giúp khơi gợi trí tưởng tượng phong phú, cũng như rút ra nhiều bài học bổ ích. Ba mẹ Hãy cùng bé đọc các truyện cổ tích Việt Nam để giúp bé có những bài học yêu thương sâu sắc, biết cảm thông, chia sẻ, kính trên nhường dưới, Tuổi thơ trẻ lớn lên không thể thiếu các mẫu chuyện cổ tích. Truyện cổ tích nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ một cách tự nhiên và phát triển trí tưởng tượng, sự thông minh, ngoài ra giúp bé phát triển kỹ năng đọc, hiểu sớm, đọc sách giúp bé hạn chế việc viết sai chính tả khi lớn lên.  Nếu có điều kiện hãy cho bé đọc các bản sách cứng để giúp bé thường xuyên đọc và tạo thói quen yêu thích đọc sách nhé. Chúc bé vui vẻ với những mẫu chuyện cổ tích bổ ích này nhé.

Top 100 cuốn truyện cổ tích chọn lọc

Xem [maxbutton id=”1″ ]

Truyện: Bơ Tin Chung ( Truyện Cổ Tích Việt Nam Hay)

Câu Chuyện: Bơ Tin Chung

Có anh A Hênh mồ côi cha từ nhỏ, ở với mẹ trong một căn nhà xinh xắn. A Hênh chăm chỉ làm lụng, nên cuộc sống của hai mẹ con cũng tạm đủ.

Đã lâu rồi, A Hênh đem lòng yêu Bơ Tin Chung (1), một cô gái đẹp nhất vùng và thuộc dòng tiên. Anh đã ngỏ lời mấy lần nhưng đều bị cô gái từ chối. Càng nhìn Bơ Tin Chung, A Hênh càng ưng cái bụng. Mặt cô không tròn nhưng rất đẹp, người cô không thấp không cao, cánh tay cô thẳng băng và tròn trĩnh như trái bắp. Cô đi đến đâu, mọi vật xung quanh cô bỗng sáng lên như có ánh mặt trời chiếu rọi. Nếu không lấy được cô, A Hênh thấy mình khó lòng sống nổi đến mùa sau.

Một buổi sớm tinh sương, A Hênh vào rừng săn bắt. Nhìn lên ngọn cây cao thấy có tổ chim bù cành, anh liền trèo lên định bắt chim con và lấy trứng về làm cơm cho mẹ. Nhưng không ngờ anh bị chim mẹ mổ mù mắt bên phải. Đau quá, anh rơi xuống gốc cây ngất đi. Khi tỉnh lại anh lấy tay bịt chặt mắt bị thương, chạy về nhà kể hết sự tình với mẹ:

– Con khổ quá mẹ ơi, biết làm sao lấy được vợ bây giờ, xấu cái mặt rồi!

Thương con, mẹ A Hênh bàn mẹo đưa chàng lên nằm úp sấp mặt trên giàn nhà để cối giã gạo phía dưới. Một lát sau, Bơ Tin Chung cùng các cô gái làng ra giã gạo dưới nhà. Bất chợt Bơ Tin Chung quá tay, cái chày đụng phải giàn đánh “bốp” một cái. A Hênh ở dưới giàn liền kêu rầm lên:

– Trời ơi, vỡ mặt tôi rồi, đui mắt tôi rồi!

Nghe xôn xao, dân làng đổ ra xem. A Hênh vờ khóc lóc:

– Bơ Tin Chung làm hỏng mắt tôi rồi, biết làm thế nào? Cái mặt tôi xấu rồi.

Hoảng sợ, Bơ Tin Chung tưởng mình gây ra tai vạ thật, xin hứa về nhà lấy nhiều trâu bò, chiêng ché sang đền. Nhưng A Hênh một mực lắc đầu không nhận.

Dân làng bàn góp:

– Thôi, gây vạ thì đền vạ. Bơ Tin Chung phải lấy A Hênh đi thôi.

Suy nghĩ một ngày một đêm, Bơ Tin Chung đành phải về làm vợ anh chàng chột mắt đó.

Ít lâu sau, Bơ Tin Chung sinh được một đứa con trai đặt trùng tên cha, gọi là “Hênh con”. Hai vợ chồng mừng lắm và càng ngày họ càng yêu quý nhau hơn. Một hôm, Bơ Tin Chung ra rẫy tuốt lúa, A Hênh gửi cháu cho bà rồi xách ná vào rừng. Bà ở nhà vừa bế cháu vừa vui miệng hát rằng:

Hỡi ơi, chim bù cành vàng vàng đẹp đẹp
Mổ mắt cha mày nên được mẹ mày chiều
Giá A Hênh không ham bắt chim vàng
Đến bây giờ cũng chẳng được cháu yêu. 

Tiếng hát lọt vào tay con rệp, nó vội đi tìm bạn thân của nó là mụ Cơ Rúa kể cho nghe tất cả. Cơ Rúa ra rẫy nói hết sự tình với Bơ Tin Chung:

– Không phải mày làm đui mắt A Hênh đâu. Nó lừa mày đấy! Nó nằm trên giàn thì làm sao đui mắt được?

Biết chuyện, Bơ Tin Chung tự nhiên thấy rã rời chân tay. Cô lặng lẽ trở về nhà làm như không biết gì, ngồi trong bếp. Bà mẹ A Hênh ở nhà trên không để ý, lại cất tiếng ru chau:

Hỡi ơi! Chim bù cành vàng vàng đẹp đẹp…

Tiếng hát theo gió lọt vào tai Bơ Tin Chung. Cô buồn rười rượi vì biết chắc chắn A Hênh nói sai cho cô rồi. Bơ Tin Chung múc nước đầy ắp mấy bầu, chặt củi để chật mấy gian, xay hết mười gùi thóc, hái được mười xâu lá… xong tất cả, cô bảo mẹ chồng:

– Con đi tắm một chút, mẹ ở nhà trông cháu nhé!

Bơ Tin Chung không ra suối mà vào rừng lấy đôi cánh thần cô vẫn giấu ở đó ra, chắp vào mình, bay “vập vập”. Nghe có tiềng động, mẹ A Hênh nói vọng ra:

– Cái gì thế, con ơi?

– Không có gì đâu, con “đập cái nia, lia cái nong” đó mà.

Vỗ cánh một hồi, Bơ Tin Chung nhìn lại nhà chồng một lần nữa như mến tiếc, rồi vụt bay mất. Cô bay mãi tới một ngọn núi có cây Pơ Rem Ma Gơi Ma Gút (2). Đậu trên cành cây cô đơn giữa khoảng trời bát ngát, tự nhiên Bơ Tin Chung lại thấy nhớ chồng, thương con, nước mắt giàn giụa. Đã trót đi, cô thấy không tiện trở về.

A Hênh về nhà không thấy vợ liền hỏi mẹ. Mẹ không biết, A Hênh gọi vợ, vợ không thưa. Nhìn thấy nhà cửa sạch sẽ gọn gàng, anh biết vợ anh đã bỏ đi rồi. A Hênh buồn không muốn nói, miệng ăn không biết ngon, uống rượu thấy nhạt, hút thuốc thấy thuốc hôi, cái tay không thiết cầm ná bắn nai, cái chân không muốn bước đi ra rẫy.

Anh đan cái Pơ Rôm (3) để đựng con, mang cơm nước xách gùi đi tìm vợ. Đi mất mấy năm ròng, anh tới ngọn núi có cây Pơ Rem Ma Gơi Ma Gút. Anh ngồi nghỉ dưới gốc cây, nghe phía trên có tiếng nói ríu rít:

– Mày làm đui mắt A Hênh sao lại bỏ rơi nó!

– Sao mày không lấy nó? Bỏ cả con à?

Có tiếng Bơ Tin Chung phân bua:

– Không phải thế, bù cành mổ đui mắt A Hênh chứ không phải tôi.

A Hênh nghe thế, nhìn lên ngọn cây thấy vợ mình cùng các loài chim khác đang đậu. Anh cất tiếng hát:

Em ơi, con đang khát sữa
Con đang thèm nước mật
Em xuống gặp mặt con đi thôi! 

Bơ Tin Chung nhớ chồng, nhớ con, nhưng nàng vẫn không xuống mà lại giấu mình sau lá cây, ngắt quả chín thả xuống cho con. A Hênh cho con ăn no và làm lều nghỉ dưới gốc cây không đi nữa.

Sáng hôm sau, khi sương chưa tan, Bơ Tin Chung đã cùng đàn chim cất cánh. A Hênh ôm con khóc. Hênh con chỉ tay gọi:

– Cha ơi, kia kìa, mẹ bay mất rồi!

Buồn rầu, A Hênh lại cõng con đi, lại gặp cây Ma Gơi Ma Gút khác. Anh ngồi nghỉ một lúc vừa đói vừa khát, anh ngủ thiếp đi cho đến tối. Có tiếng sột soạt, thì ra Bơ Tin Chung đã kín đáo đến thả quả cây xuống cho chồng và con.

Mặt trời vừa chiếu sáng, Bơ Tin Chung đã cùng mười hai chị của cô vượt qua núi, vượt qua sông tìm về quê mẹ trở lại cuộc sống nơi cõi tiên. Vừa đặt chân xuống đất, tất cả lại biến thành mười hai cô gái xinh đẹp.

A Hênh cõng con đi miết. Tới bờ sông, chàng dừng lại dựng lều nghỉ. Thoáng thấy bóng vợ ra sông múc nước nhưng chàng không làm sao qua bờ bên kia được. Cơm gạo đã hết. Hênh con đói cứ gào khóc. Một con heo rừng đi tới, A Hênh phải hứa sẽ cho heo ăn lúa của người, heo mới đồng ý đưa bố con anh qua sông. Cõng con ngồi lên lưng heo nhưng vừa ra khỏi bờ sông, heo đã chìm nghỉm. A Hênh đành bò trở lại vào bờ, kéo heo lên lấy thịt cho con ăn. Qua ngày này đến ngày khác, hươi, nai, mang, cọp… cũng tới giúp chàng. Nhưng rồi chúng lần lượt chết đuối như heo. Bỗng một con Rịn Ràng từ trong núi bò ra, chàng liền chụp lấy nó và nói:

– Tao ở đây đã lâu rồi mà không sang được sông để tìm vợ, cơm không có ăn, áo không đủ mà đắp, chuối không có làm bè, con khóc khản cả cổ, mày để tao ăn thịt mày.

Rịn Ràng van xin chàng tha chết và hứa sẽ giúp A Hênh, có điều anh phải hứa là sẽ cho nó chăng tơ khắp đường. Nó dặn chàng:

– Hai cha con cứ ngồi lên lưng tôi nhưng cấm không được cười nói, hở một lời là chết đấy.

Nói rồi Rịn Ràng vừa bơi vừa hát:

Rịn Ràng! Rịn Ràng! Réo Réo!
Rịn Ràng! Rịn Ràng! Réo Réo! 

Nghe tiếng hát lạ tai, A Hênh cố nhịn cười và dặn con im lặng. Càng đến gần bờ, Rịn Ràng càng hát to, vừa bơi vừa nhún nhảy. Đứa con thấy nhộn phá lên cười khanh khách. Mạng nhện tự nhiên đứt ra và hai cha con lăn tòm xuống nước. May đã gần bờ nên họ chỉ ướt hết quần áo.

Vì áo quần còn ướt, A Hênh bèn đi ngược lên đầu ngọn suối náu mình trong bụi tre ngồi hút thuốc. Chiếc ná của chàng dựng đầu nguồn, chiếc Pơ Rôm đựng con đặt bên cạnh.

Vừa lúc ấy, có một cô gái ra bờ suối múc nước. Cô đẹp như một tiên nữ giáng trần. Cô vừa đi, vừa cất tiếng hát, vừa nỉ non, vừa não nùng. A Hênh liền chắn dòng nước không cho chảy xuống chỗ cô đang múc. Thấy hết nước, cô gái chạy lên phía trên thì đụng phải cái ná. Cô kêu lên:

– Ôi, em đụng phải ná của Ta Nôi (4) rồi.

A Hênh bắt chuyện mới biết cô là em thứ hai của Bơ Tin Chung. Anh hỏi:

– Sao em hát buồn thế?

Cô bảo là vì cô thương nhớ A Hênh nên không vui được. Chàng lại hỏi:

– Thế em là vợ A Hênh à?

– Không phải, A Hênh là chồng chị em. Chị em buồn nên em cũng không vui.

A Hênh lặng đi không hỏi nữa. Cô gái nhìn chiếc cườm chàng đeo nơi cổ, nhìn cái Ma Non(5) giống như cườm và Ma Non của chị mình xưa, nhìn cái đến cái bùi nhùi hút thuốc, cô vui vẻ nói to:

– Ơi, bùi nhùi của Bơ Tin Chung! Ma Non và cườm của Bơ Tin Chung! Anh ơi, anh là A Hênh rồi!

Không thể giấu được nữa, chàng kể hết đầu đuôi cho cô gái nghe, cô gái mừng rỡ mời chàng về nhà nhưng A Hênh không chịu. Cô bèn về nhà, giả vờ trượt chân đổ hết nước trong bương. Bơ Tin Chung phải đi múc nước thay em. Lòng vẫn thương con, nhớ chồng, vừa đi vừa hát:

Người em yêu đi đâu
Cách xa chàng đã lâu
Tưởng như chàng đã chết… 

Đứa con nằm trong Pơ Rôm nghe tiếng hát liền reo lên:

– Cha ơi, tiếng mẹ hát kìa! Cha cho con gặp mẹ!

– Nằm im, ráng chờ lát nữa con ơi!

Múc xong nước Bơ Tin Chung lại hát tiếp:

Nước suối ơi cứ chảy hoài chảy mãi
Không biết lòng ta đang đau khổ!
Nhớ ngày nào ở bên nhau
Nay xa cách buồn rầu trong ruột! 

Hát xong, Bơ Tin Chung lại lẩm bẩm: “Nước suối ơi nghe tiếng mày ta lại nhớ A Hênh đi mãi không về, ta thử đi lên tí nữa xem sao!”

Bơ Tin Chung cầm dao phát cỏ, bỗng nghe tiếng cờ rắc, rắc. Cô giật mình dừng tay, nhìn xuống đất thấy có chiếc ná gẫy đôi, bên ná lại có chiếc Ma Non của mình ngày trước. Nàng ngạc nhiên nhìn quanh không thấy bóng người liền nói bâng quơ:

Ná ai ở đây như ná yêu ná quý?
Ai mang ná này hát hay hơn chim
Người bắn ná này mới thật chồng em
Người em yêu ơi, hãy đến… 

Không có một tiếng trả lời nào ngoài tiếng vọng của mình. Bơ Tin Chung ngồi ôm ná khóc nức nở. Nàng khóc rất lâu, nước mắt nhòa nên không nhìn thấy rõ bóng A Hênh đang đi tới. Chàng cất tiếng:

– Ơ em làm hư ná của anh, em phải trả đền. Làm không nên em không được về.

Bơ Tin Chung ngước mắt nhìn người lạ, sợ hãi:

Ná ơi liền lại nhé
Dấu vết đừng như vá
Liền lại đi ná ơi! 

Chiếc ná tự nhiên liền lại như cũ. Định cầm ná lên trả cho người lạ, Bơ Tin Chung nhận ra người đó chính là chồng mình. Nàng gặp lại chồng và con, mừng quá giàn giụa nước mắt.

Từ đó vợ chồng Bơ Tin Chung và con được sống bên nhau vô cùng đầm ấm.

Được ít lâu, A Hênh nhớ mẹ. Chàng nhờ người về nhà mời mẹ sang ở nhà vợ nhưng mẹ chàng không chịu. A Hênh ngày đêm buồn rầu trong bụng. Mẹ Bơ Tin Chung đành để cho con gái theo về quê chồng. Cha mẹ nàng cho nàng nhiều chum ché và bò, heo…

Đi mất mấy tuần trăng, A Hênh mới dẫn vợ con về tới quê nhà. Bước vào nhà, chàng thấy mẹ già đang thoi thóp.

– Mẹ ơi, con đã về đây, vợ con và cháu cũng về đây.

Nghe tiếng con nói, mẹ anh mừng quá, cố gắng ngồi dậy nhưng lại ngã vật xuống giường. Bà cụ giơ tay nắm lấy tay A Hênh, nắm lấy tay Bơ Tin Chung, rồi bà cụ run run nói lời đứt quãng:

– Trời ơi! Bao nhiêu năm bỏ cái nhà cái cửa! Cháu bà ở đâu?

Bơ Tin Chung ghé Pơ Rôm đựng con lại gần bà. Mẹ A Hênh mừng quá, bước xuống sạp định vươn ra bế chau thì không may trượt chân ngã mạnh quá và ngất đi, rồi chết.

Vợ chồng A Hênh nhớ mẹ, lo tang ma cho mẹ xong, họ sửa sang lại nhà cửa, cùng dân làng sáng chiều chăm lo nương rẫy. Họ sống yên ổn hạnh phúc suốt đời.

(Truyện cổ dân tộc Catu)
(1) Bơ Tin Chung: con chim thần.
(2) Cây Pơ Rem Ma Gơi Ma Gút: một thứ cây có quả tròn, ăn như sữa.
(3) Pơ Rôm: một thứ giỏ để đựng trẻ em.
(4) Ta Nôi: khách.
(5) Ma Non: cái dây ngũ sắc rất đẹp, người con gái thường tết để tặng người yêu.

Lợi ích việc đọc truyện cổ tích cùng trẻ:

  • Luyện kỹ năng lắng nghe, trí tưởng tượng, phát triển tư duy sớm, tăng cường trí nhớ, giúp trẻ phát triển kỹ năng kể chuyện rất có lợi cho giao tiếp sau này.
  • Biết yêu thương, chia sẻ, cảm thông, hình thành tính cách tốt khi lớn lên.
  • Đọc sách nhiều giúp bé có vốn từ phong phú, hạn chế sai chính tả khi vào lớp 1
  • Tập thói quen yêu thích đọc sách từ nhỏ, giúp bé ham học hơn về sau
  • Gắng kết cha mẹ , anh chị và bé. Hạn chế xem tivi, chơi game.

Truyện Cổ Tích Việt Nam : Chúng tôi tuyển tập những truyện cổ tích hay nhất trong kho tàng truyện cổ tích dân gian Việt Nam, truyện dân gian, truyện ngụ ngôn, truyện cười, những câu truyện quà tặng cuộc sống ý nghĩa…Trang đọc truyện cổ tích Việt Nam hay nhất, gồm những câu chuyện cổ tích chọn lọc dành cho thiếu nhi và mọi lứa tuổi. Kể chuyện cổ tích cho bé, giúp khơi gợi trí tưởng tượng phong phú, cũng như rút ra nhiều bài học bổ ích. Ba mẹ Hãy cùng bé đọc các truyện cổ tích Việt Nam để giúp bé có những bài học yêu thương sâu sắc, biết cảm thông, chia sẻ, kính trên nhường dưới, Tuổi thơ trẻ lớn lên không thể thiếu các mẫu chuyện cổ tích. Truyện cổ tích nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ một cách tự nhiên và phát triển trí tưởng tượng, sự thông minh, ngoài ra giúp bé phát triển kỹ năng đọc, hiểu sớm, đọc sách giúp bé hạn chế việc viết sai chính tả khi lớn lên.  Nếu có điều kiện hãy cho bé đọc các bản sách cứng để giúp bé thường xuyên đọc và tạo thói quen yêu thích đọc sách nhé. Chúc bé vui vẻ với những mẫu chuyện cổ tích bổ ích này nhé.

Top 100 cuốn truyện cổ tích chọn lọc

Xem [maxbutton id=”1″ ]